Nghị lực phi thường của thầy giáo vùng quê nghèo

Create: T6, 06/25/2021 - 10:36
Author: admin

Không đầu hàng trước số phận nghiệt ngã, thầy giáo Đỗ Thế Tùng, Giáo viên Trường PTDTBT THCS xã Lâm Ca, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn luôn nỗ lực vươn lên khắc phục khó khăn và khẳng định chính mình.

Sinh ra trong một gia đình làm nghề nông ở vùng quê nghèo khó thuộc xã vùng III của huyện Đình Lập, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn. Tuổi thơ của anh Đỗ Thế Tùng trôi qua cũng như bao bạn cùng trang lứa khác, êm ả, hồn nhiên. Nhưng không may khi 5 tuổi thầy giáo bị tai nạn nghiêm trọng xảy ra khiến cánh tay phải của anh phải phẫu thuật cắt đứt cánh tay để giữ tính mạng; kể từ giây phút đó anh Tùng cảm giác nỗi tuyệt vọng, chán chường đang bao trùm lên số phận cuộc đời vì bản thân mình không được lành lặn như bao người bình thường khác, phải đối mặt chịu đựng những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần đã khiến anh có lúc chùng chân lại và những suy nghĩ tiêu cực lần lượt xuất hiện trong tiềm thức của anh.

Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường anh đã có ước mơ sau này lớn lên sẽ trở thành một người thầy giáo có thể truyền thụ kiến thức nhân loại cho con em nơi anh sinh sống. Chấp nhận hiện tại và gạt đi nỗi đau đớn về tinh thần, anh quyết tâm không lùi bước phấn đấu để đạt được khát vọng trong tương lai; anh được gia đình và bạn bè luôn bên cạnh chia sẻ, giúp đỡ, động viên điều đó đã thôi thúc anh cần phải vượt lên số phận; năm tháng trôi qua anh Tùng luôn miệt mài, chăm chỉ trong học tập. Anh tâm niệm những người khuyết tật không phải là gánh nặng của xã hội, họ vẫn có thể tạo ra những giá trị làm đẹp cho cuộc đời.

Nuôi dưỡng ước mơ sau này sẽ trở thành một người thầy giáo dạy bộ môn Toán đã được chính ý chí kiên cường của anh biến thành hiện thực, năm 2004 anh và gia đình đã vỡ òa trong niềm vui mừng khi biết tin mình thi đỗ vào khoa Toán - Lý trường Cao đẳng sư phạm Lạng Sơn với vị trí thủ khoa. Những tháng ngày đi học chuyên nghiệp tại tỉnh nhà, anh xa lạ với trường, lớp, thầy cô, bạn bè và đôi khi anh tự mặc cảm với số phận bản thân; nhưng chính tình yêu thương, sự ân cần, giúp đỡ của mọi người đã tiếp sức cho anh bước tiếp. Nhớ lại những tiết học thực hành chuyên môn với những hình khối, anh đã phải cố gắng dùng bờ vai của mình tỳ thật mạnh xuống bàn để lấy điểm tựa cho bàn tay trái của mình có thể vẽ được các hình khối được chuẩn đẹp nhất và cứ như vậy nghị lực cứ mỗi ngày lớn lên trong anh và anh đã thành công.

Sau ba năm học tập tại ngôi trường Sư phạm, nơi đây đã bồi đắp cho anh kho tàng tri thức để anh trở về quê hương đóng sức nhỏ của mình cho quê nhà. Ra trường, anh được phân công giảng dạy tại huyện nhà, ngôi trường anh giảng dạy cách gia đình anh sinh sống 70km rất xa xôi, bao lo toan, bao cách trở; trong những lúc khó khăn nhất thì tiếng trống trường, những ánh mắt háo hức của học trò và nỗi nhớ về bảng đen, phấn trắng đã níu chân và giúp chính anh vượt qua gian nan.

Để rồi hôm nay, sau 12 năm công tác dẫu mang trên mình những khiếm khuyết về cơ thể nhưng ngọn lửa đam mê với nghề luôn cháy bỏng trong anh, là một người thầy giáo và hạnh phúc với công việc thầm lặng của một người lái đò chở tri thức. Có lẽ đối với mỗi người giáo viên, điều quan trọng nhất không chỉ dừng lại ở việc học sinh hiểu bài mà chính là làm thế nào để truyền được cảm hứng của môn học đến với học sinh. Cảm hứng ấy không đơn thuần là truyền đạt kiến thức, kỹ năng mà còn phải thắp lên được ngọn lửa của tình yêu tri thức để học sinh tự học, tự dưỡng, tự hoàn thiện. Điều khó ấy đã và đang được thầy giáo Đỗ Thế Tùng thực hiện hằng ngày, hằng giờ theo cách giản dị, tự nhiên bằng chính nghị lực sống mạnh mẽ, sự sáng tạo không ngừng nghỉ trong từng bài giảng của mình.

n1

Tiết dạy học trên lớp của thầy giáo Đỗ Thế Tùng

Người thầy giáo viết bằng tay trái ấy để lại nhiều ấn tượng với các thế hệ học trò, anh chính là tấm gương sáng trong toàn ngành Giáo dục và để mọi người tin rằng, cuộc sống vẫn có rất nhiều những điều kỳ diệu, đáng được trân trọng. Với đức tính giản dị, nhiệt tình, năng động và ham học hỏi, thầy giáo Thế Tùng luôn cố gắng tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức người giáo viên, không ngừng học tập, trao đổi kiến thức với đồng nghiệp để có những bài giảng hay, phương pháp giảng dạy khoa học truyền dạy cho học trò những kiến thức văn hoá bổ ích trên bục giảng.

Trong suốt 4 năm từ năm 2016 đến năm 2020 thầy giáo Đỗ Thế Tùng luôn đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở và nhận được rất nhiều giấy khen của ngành Giáo dục; là Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 4 năm từ năm 2016 đến 2019. Quá trình phấn đấu miệt mài của thầy đã được bù đắp bằng thành tích của 02 học sinh thầy giảng dạy đã thi đỗ vào Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn, đó là niềm tự hào không chỉ cá nhân của thầy và đó còn là niềm vinh dự cho nhà trường. Năm học 2020-2021 thầy giáo Tùng tham gia Hội thi Giáo viên giỏi cấp tỉnh đạt danh hiệu cao quý giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và là thí sinh tiêu biểu xuất sắc nhất Hội thi.

n2

Hình ảnh thầy giáo Đỗ Thế Tùng nhận giấy khen đạt Giáo viên dạy giỏi cấp

tỉnh từ Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh năm học 2020-2021

          Không chỉ là một giáo viên giỏi về chuyên môn, thầy giáo Tùng còn là một trong những giáo viên tham gia rất tích cực các phong trào thể dục thể thao của ngành, đạt giải Ba môn cầu lông đôi nam khi tham gia đại hội Thể dục thể thao ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Đình Lập lần thứ VIII năm học 2017 - 2018. Một trong những việc làm thiết thực, sau những tiết dạy trên lớp, thầy giáo Tùng còn kêu gọi huy động xã hội hóa ngày công lao động từ các đồng nghiệp trong nhà trường, cùng chung tay hỗ trợ xây dựng cảnh quan khuôn viên nhà trường. Đây là một hành động ý nghĩa được mọi người hưởng ứng nhiệt tình, tích cực để xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn. Góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường ngày một hiệu quả.

n3

          Những thành công mà thầy Đỗ Thế Tùng đạt được mới chỉ là những thành công bước đầu trong sự nghiệp trồng người, nhưng đó là nền tảng, là động lực để thầy phấn đấu, làm tốt hơn xứ mệnh của người thầy giáo trong tương lai để xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người".

                                                                                                                                  Lương Thị Nga

                                                                                                                       Ban Thi đua – Khen thưởng