Sơ kết 03 năm thực hiện Phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, giai đoạn 2016-2018

Create: T6, 11/23/2018 - 16:40
Author: admin

     Ngày 19/11/2018, UBND tỉnh ban hành báo cáo sơ kết Phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2018 (Báo cáo số 425/BC-UBND của UBND tỉnh). Bên cạnh những khó khăn như Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, toàn tỉnh có 11 huyện, thành phố; 226 xã, phường, thị trấn (trong đó có 03 huyện nghèo, 125 xã đặc biệt khó khăn). Dân số của tỉnh khoảng 788,7 nghìn người, sinh sống chủ yếu ở vùng cao, vùng sâu, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, xa trung tâm huyện, tỉnh, đời sống của một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn.

     Thực hiện Phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mớigiai đoạn 2016 - 2020 do Chính phủ phát động, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phát động Phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020. Hưởng ứng phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, 130 đơn vị trong cụm thi đua của tỉnh (đạt 100%) đã tổ chức phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, nội dung thi đua phù hợp với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Qua đó phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao của toàn xã hội trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao tinh thần thi đua yêu nước trong cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, phát huy tinh thần đoàn kết, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, huy động nội lực trong Nhân dân, tranh thủ các nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế, phát huy có hiệu quả các tiềm năng lợi thế của từng địa phương.

     Để thực hiện có hiệu quả Phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành như: Quyết định số 315/QĐ-UBND ngày 28/02/2017 về việc áp dụng một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Quyết định số 933/QĐ-UBND ngày 22/5/2018 về việc ban hành Bộ tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 27/02/2017 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020 tỉnh Lạng Sơn và các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh.

     Năm 2011, kết quả rà soát đánh giá theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 01 xã đạt 10 tiêu chí, có 22 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, có 129 xã đạt từ 1-4 tiêu chí, có 55 xã không đạt tiêu chí nào. Giai đoạn 2011 - 2015, với những nỗ lực vượt khó của toàn hệ thống chính trị đặc biệt là người dân, Phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã đạt được nhiều thành tựu, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được cải thiện đáng kể, từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn; các hình thức tổ chức sản xuất, các mô hình phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho dân nông thôn được quan tâm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao, an sinh xã hội được đảm bảo, quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy, ở các xã điểm diện mạo nông thôn được thay đổi rõ nét. Có 13/207 xã (đạt 6,28%) đạt chuẩn nông thôn mới.

     Phát huy những kết quả đạt được của giai đoạn 2011 - 2015, các cấp, các ngành, địa phương trong toàn tỉnh tiếp tục tổ chức phát động Phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2018 và đã đạt được kết quả nổi bật như: toàn tỉnh đã mở mới được 226,2km đường giao thông nông thôn, làm 1.077,7km mặt đường bê tông xi măng; đã sửa chữa, nâng cấp được 219 công trình thủy lợi, kiên cố hóa được 200m kênh mương các loại nâng tổng số km kênh mương được kiên cố trên toàn tỉnh lên 1.521km; mạng lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện có 2.628km đường dây trung áp đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. UBND tỉnh đã bố trí 45.412 triệu đồng xây dựng 31 nhà văn hóa xã tại các xã phấn đấu đạt chuẩn trong các năm và 05 xã đặc biệt khó khăn; mạng lưới điểm phục vụ bưu chính được duy trì ổn định, đảm bảo phục vụ nhu cầu sử dụng dịch vụ bưu chính của người dân với 32 bưu cục và 135 điểm bưu điện văn hóa xã.

     Các trạm y tế được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp bằng nguồn vốn của Chương trình xây dựng nông thôn mới và ngân sách tỉnh, đã ghi vốn 33.293 triệu đồng để tiến hành xây mới 27 trạm y tế và đã đưa vào sử dụng 19 trạm y tế xã. Toàn tỉnh có 204/207 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, đạt chuẩn xóa mù chữ; 100% xã đạt chuẩn phổ cập THCS; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT, bổ túc THPT, học nghề đạt 100%.

     Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm thực hiện, đã tổ chức dạy nghề cho khoảng 12.046 người, nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 47,6%. Toàn tỉnh có 185/207 xã đạt chuẩn tiêu chí về giáo dục, chiếm tỷ lệ 89,32%; có 937/2.150 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa (đạt 43,5%); số xã đạt chuẩn tiêu chí văn hóa là 65/207 xã chiếm tỷ lệ 31,40%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 90%. Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh đã chỉ đạo các xã đạt chuẩn nông thôn mới tập trung xây dựng mô hình “Khu dân cư kiểu mẫu” để hình thành các khu dân cư nổi bật về cảnh quan đường làng, ngõ xóm "Sáng - xanh - sạch - đẹp" tạo ra diện mạo mới rõ nét trong các khu dân cư về kinh tế, cảnh quan, môi trường.

 

cthang

Người dân thôn Hồng Phong 1, xã Chiến Thắng (huyệnBắc Sơn) cắt tỉa hàng rào (Nguồn: Báo Lạng Sơn)

 

qthanh

(Hình ảnh đường làng, ngõ xóm tại thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng với mô hình khu dân cư kiểu mẫu)

     Đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở khu vực nông thôn, làm tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, chủ động nắm bắt và dự báo tình hình, làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự nông thôn, đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự xã hội địa bàn nông thôn. Giai đoạn 2016-2018, trên địa bàn tỉnh không để phát sinh điểm nóng; an ninh chính trị được giữ vững, an toàn xã hội được đảm bảo, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2016 - 2017, số xã đạt chuẩn là 23 xã, thành phố Lạng Sơn được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, dự kiến đến cuối năm 2018 có 12 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn trên địa bàn toàn tỉnh lên 48/207 xã (đạt 23,19%); số tiêu chí bình quân/xã đạt 9,07 tiêu chí/xã; không có xã dưới 5 tiêu chí.

 

onglet

Ông Mã Văn Lét, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng được bình chọn Sao thần nông”, chăm sóc cây na trái vụ (Nguồn: Báo Lạng Sơn)

chi

Bà Nguyễn Thị Chi, thôn Phổng, xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng với mô hình chăn nuôi lợn thịt

     Thông qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế tiểu biểu như: nuôi ong mật tại xã Vân Thủy (huyện Chi Lăng); trồng hồng vành khuyên tại xã Tân Mỹ (huyện Văn Lãng); trồng quýt kết hợp du lịch sinh thái tại huyện Bắc Sơn; nuôi gà 6 ngón thương phẩm và chanh leo theo hướng hàng hóa (huyện Lộc Bình); trồng đào, rau an toàn (thành phố Lạng Sơn); trồng quýt tại xã Kim Đồng (huyện Tràng Định). Nhiều điển hình làm kinh tế giỏi vươn lên thoát nghèo như: ông Lành Văn Lôi, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi gia cầm lợi nhuận thu nhập được 500 triệu đồng/năm, ông Mã Văn Lét, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng với mô hình sản xuất na gối vụ và được bình chọn Sao thần nông - cho mùa bội thu”, bà Dương Thị Chào, Khối Đại Thắng, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn với mô hình chăn nuôi lợn, gà cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Nhiều cá nhân trên địa bàn tỉnh còn có khó khăn trong cuộc sống, nhưng đã sẵn lòng hiến hàng nghìn mét vuông đất để mở đường hoặc xây dựng công trình phúc lợi tiêu biểu như gia đình: ông Lê Văn Hội thôn Bản Khoai, Lộc Bình đã hiến 1.000m2 làm nhà văn hóa thôn; ông Dương Kim Thọ, thôn Còn Áng, xã Đình Lập, huyện Đình Lập hiến 3.000m2 đất để xây dựng đường giao thông nông thôn; ông Chu Văn Lang, thôn Cốc Slầm, xã Tri Phương, huyện Tràng Định hiến 1.600m2 đất.

     Giai đoạn 2016 - 2018, toàn tỉnh đã huy động nguồn vốn xây dựng chương trình ước đạt khoảng 9.790.124 triệu đồng, trong đó vốn huy động từ các doanh nghiệp; cộng đồng dân cư (tiền mặt, hiến đất, ngày công) được 412.521 triệu đồng. Tiêu biểu như: Cục Thuế tỉnh ủng hộ hơn 200 triệu đồng, Công ty cổ phần dược phẩm và Vật tư y tế Lạng Sơn ủng hộ xây dựng đền Háng Lấp, Đình Lập trị giá 310 triệu đồng, Hội người cao tuổi trên địa bàn tỉnh đã ủng hộ trên 500 triệu đồng, Tòa án nhân dân tỉnh đã ủng hộ 500 triệu để xây dựng 01 phòng học của Trường Mầm non xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng, Công ty TNHH MTV Thái Sơn.ĐL ủng hộ 220 triệu đồng, Công ty TNHH Bảo Long ủng hộ trên 600 triệu đồng, Công ty cổ phần xi măng Đồng Bành ủng hộ 120 tấn xi măng, Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư phát triển Cửa Đông ủng hộ 351 triệu đồng ...

     Ghi nhận những thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2018, nhiều tập thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã được các cấp biểu dương, khen thưởng. Trong đó, Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen do có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới; nhiều nông dân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen do có mô hình sản xuất hiệu quả, ổn định; Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn tặng thưởng Bằng khen cho 25 tập thể và 27 cá nhân, 16 gia đình, 02 doanh nhân, trong đó 01 tập thể có thành tích trong phát triển đường giao thông nông thôn./.

                                                                       Ong Thị An, Ban TĐKT