Mô hình nuôi Lợn rừng lai Thái Lan có nhiều triển vọng để phát triển kinh tế

Create: T5, 12/29/2022 - 22:09
Author: admin

          Trong những năm gần đây phát triển sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường là một trong tiêu chí đánh giá đảm bảo đầu ra cho sản xuất. Trước những bất lợi cạnh tranh của nền kinh tế hiện nay, có nhiều đoàn viên, thanh niên đã nắm đúng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng với khát vọng dám nghĩ, dám làm cung cấp sản phẩm mới cho thị trường, đoàn viên Hoàng Minh Tiệp đã trở thành thanh niên tiêu biểu làm kinh tế có thu nhập ổn định và làm giàu chính đáng ngay tại mảnh đất mình sinh ra.

          Đó là đoàn viên Hoàng Minh Tiệp, sinh năm 1994, có hộ khẩu thường trú tại Thôn Bình Đãng B xã An Sơn, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, học hết Trung học phổ thông, anh theo học trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên, sau khi ra trường với niềm đam mê chăn nuôi anh tự nghiên cứu tài liệu, học hỏi các nhóm liên kết nuôi lợn rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao, khi tuổi đời vừa tròn 23 tuổi, anh bắt đầu khởi nghiệp mua 5 con lợn rừng dòng lai Thái Lan về nuôi, với số tiền 15 triệu đồng bằng vốn tiết kiệm, qua chọn lọc được 03 con làm giống, số lượng đàn lợn rừng tăng qua từng năm mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho gia đình, hiện nay tổng đàn có trên 30 con lợn rừng lai Thái Lan. Qua quá trình nuôi lợn rừng hoang dã, đã được lai tạo thuần hóa có nhiều điểm ưu việt: thịt thơm ngon, ít mỡ, nhiều nạc giá trị dinh dưỡng cao, chi phí thức ăn và vốn đầu tư ít, dễ chăn nuôi, chú ý phòng bệnh đúng thời điểm, sau 4 tháng lợn con có sức đề kháng tốt, thời gian nuôi từ 11 đến 12 tháng, mỗi con nặng từ 50 đến 60 kg có thể xuất chuồng, bán cho nhà hàng tại các thành phố lớn, không lo về đầu ra, trừ các khoản chi phí trung bình mỗi năm thu nhập từ 70 đến 80 triệu đồng.

Nuoi lon 1

          Đoàn viên Hoàng Minh Tiệp thôn Bình Đãng B, xã An Sơn, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn nói: Qua thực tế mấy năm nuôi lợn rừng tôi thấy có hiệu quả kinh tế, thời gian nuôi, sinh trưởng con này lâu so với các loại vật nuôi khác, trong thời gian tới muốn tăng đàn, phát triển quy mô với số lượng nhiều hơn.

          Lợn rừng lai được chăn nuôi thả tự nhiên, nguồn thức ăn rất đơn giản, không tốn thời gian chăn nuôi, ít tốn kém, chỉ gồm rau, cỏ, ngô sắn và các phụ phẩm nông nghiệp. Do đó anh cùng gia đình ngoài thời gian làm thêm gần 02 mẫu ruộng, vườn để trồng ngô, cấy lúa để phục vụ chăn nuôi còn có thời gian đi làm những công việc khác để tăng thêm thu nhập. Qua thực tế chăn nuôi hằng ngày, anh tích lũy được nhiều kinh nghiệm, tính toán, phân chia khẩu phần thức ăn vừa đủ cho từng đàn lợn, đảm bảo đủ chất, không gây dư thừa lãng phí thức ăn trong chăn nuôi. Trung bình một năm thu nhập từ nuôi lợn rừng và từ các nguồn thu khác đã đưa về cho gia đình anh Hoàng Minh Tiệp một khoảng thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm.

          Ông Phùng Văn Von, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bình Đãng B xã An Sơn, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Phát triển mô hình cá nhân hộ Hoàng Minh Tiệp về chăn nuôi lợn lòi, về mặt kinh tế hộ Hoàng Minh Tiệp sau khi trừ chi phí chăn  nuôi có thể đạt 70 đến 80 triệu đồng/năm, qua chương trình mong các cấp có thẩm quyền, Ngân hàng có nguồn vốn hỗ trợ để tăng gia mô hình điểm, vì khu vực nông thôn theo đánh giá sự phát triển của chương trình chăn nuôi lợn lòi của hộ Hoàng Minh Tiệp rất có hiệu quả.

Nuoi lon 2

          Sau thời gian 05 năm nuôi lợn rừng thích nghi tốt với khí hậu địa phương, có nhiều ưu điểm so với các giống lợn rừng thuần khác, mỗi năm lợn nái đẻ 2 lứa, mỗi lứa đẻ 7 - 9 con,  bình quân mỗi 01 kg lợn hơi lai có giá 140.000đ, với mức giá này đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi các giống lợn rừng khác, có vốn và tích lũy được kinh nghiệm anh đã mạnh dạn đầu tư xây chuồng trại khoảng 200 triệu (với tổng diện tích gần 500m2, thời điểm nuôi nhiều nhất lên đến gần 100 con lợn cả lợn thịt và lợn giống), anh tự thiết kế, lắp đăt hệ thống điện, nước, ánh sáng và có không gian tắm nắng phù hợp cho vật nuôi, nguồn nước vệ sinh chuồng nuôi khép kín hầm bi ô ga, không gây ô nhiễm môi trường, chăn nuôi lợn rừng lai Thái Lan theo hướng sản xuất hàng hóa, nhằm đáp ứng nhu cầu tốt hơn người tiêu dùng ngày càng cao, và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi đặc sản thịt lợn rừng.

          Ông Nông Trần Cảnh, Chủ tịch UBND xã An Sơn, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, khẳng định: Mô hình phát triển kinh tế của anh Hoàng Minh Tiệp thôn Bình Đãng B được xã đánh giá cao, có hướng để phát triển kinh tế, mô hình rất có hiệu quả, UBND xã tạo điều kiện cho việc mở rộng mô hình, nếu thiếu vốn sẽ hướng dẫn vay vốn theo Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh Lạng Sơn để phát triển thêm mô hình của gia đình lên và tăng thu nhập và tạo việc làm cho nhiều lao động khác.

Nuoi lon 3

          Với mức tiêu thụ như hiện nay, được bao tiêu sản phẩm cung không đủ cầu, dự định năm 2023 anh Tiệp sẽ vay thêm nguồn vốn để mở rộng chuồng nuôi và tăng đàn lợn không chỉ tạo công ăn việc làm, tăng nguồn thu nhập cho gia đình mà anh sẽ hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật với các hộ gia đình có nhu cầu chăn nuôi lợn rừng lai Thái Lan. Đây được coi là tấm gương điển hình cho các đoàn viên thanh niên học tập và noi theo./.

 

 

Ngọc Khoa – Đức Tôn
Trung tâm VH, TT&TT Văn Quan