Người giáo viên công tác vùng khó khăn, tận tụy, tâm huyết với nghề

Create: T5, 06/21/2018 - 08:16
Author: admin

        Cô giáo Mã Thị Phương, giáo viên Trường THPT Đình Lập sinh ra và lớn lên tại thôn Bản Lạn, xã Lâm Ca, huyện Đình Lập. Đó là một vùng đặc biệt khó khăn, giao thông đi lại không thuận tiện, cách trung tâm thị trấn hơn 40km. Gia đình thuộc hộ nghèo, bố mất sớm, mẹ đi xây dựng gia đình riêng. Bốn anh em  sống với bà nội, khi đó bà đã 72 tuổi. Dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhờ có tình thương yêu của bà, sự cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ của bà con lối xóm, của các công nhân xây dựng thủy lợi..., cô quyết tâm theo đuổi ước mơ được đi học. Năm 1984, ngày khai giảng, cô vui mừng khôn xiết khi lại được tiếp tục đi học tại phân trường cách nhà 8km đường rừng. Sau đó, tiếp tục học tại trường Rẻo cao huyện Đình Lập, rồi Vùng cao Việt Bắc, Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và trở thành người giáo viên công tác tại Vùng khó khăn như hiện nay - Trường THPT huyện Đình Lập.

          Từ khi bước chân vào nghề, điều kiện làm việc không được thuận lợi. Chồng không có nghề nghiệp ổn định, sống cùng bố mẹ tại xã Lâm Ca, sau đó lại đi học tại chức, còn bản thân giảng dạy tại thị trấn cách nhà hơn 40km. Trong thời gian ấy, cuộc sống vô cùng vất vả nhưng cô chưa bao giờ nản lòng trước những khó khăn, luôn cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

         Trong quá trình giảng dạy, cô luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy, tâm huyết với công việc mà nhà trường phân công. Luôn có ý thức học tập, trau dồi  kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho bản thân. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học để phát huy tính chủ động, tích cực, tự giác, sáng tạo nhằm giúp học sinh nắm kiến thức nhanh hơn và nâng cao kết qủa học tập cho học sinh. Đặc biệt, cô thường xuyên quan tâm tới các học sinh học yếu, kém và học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trải qua biết bao thăng trầm vất vả của cuộc sống, cô đã thấu hiểu được những khó khăn vất vả của những học sinh nghèo, sống ở vùng sâu, vùng xa, những đứa con mất cha, mất mẹ. Cô luôn thông cảm và muốn chia sẻ với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tạo cho các em cơ hội được đi học và học tập tốt. Chính vì vậy, từ khi ra trường năm 1997 đến nay, cô đã giúp đỡ và tạo điều kiện cho 39 em trọ học miễn phí và thường xuyên quan tâm, theo dõi, quản lý, bảo ban các em trong học tập và trong cuộc sống.

        Hơn 20 năm nhiệt huyết với nghề, cô càng thấm nhuần hơn lời dạy của Bác Hồ: “Nhà giáo là người kỹ sư tâm hồn”, “người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hoá, mỗi người thầy giáo phải không ngừng học tập trau dồi chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức cách mạng của nhà giáo, thực sự vừa “hồng” vừa “chuyên”, chính vì thế, cô Phương đã hình thành cho mình đức tính tự học, tự sáng tạo, tận tụy với nghề. Với cô, phần thưởng lớn nhất chính là sự trưởng thành của các thế hệ học trò. Khi được hỏi về kinh nghiệm trong giảng dạy và chủ nhiệm, cô chia sẻ: Tôi luôn quan niệm rằng: “mình có thể yêu học sinh như con, nhưng không thể tùy tiện ứng xử với học sinh như với con”. Giáo viên chủ nhiệm phải thực sự là: “một tấm gương mẫu mực, gần gũi, lòng yêu thương, thấu hiểu hoàn cảnh học sinh lớp mình chủ nhiệm và biết hy sinh nhiều mặt

            Vừa là giáo viên giảng dạy, vừa làm công tác chủ nhiệm và tổ trưởng
chuyên môn, cô Phương luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và kết
quả gần đây nhất là năm học 2016 – 2017, 2017 – 2018 cô có 02 em học sinh
đạt giải khuyến khích cấp tỉnh môn sinh học, đã được ngành Giáo dục và Đào
tạo biểu dương khen thưởng, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen.
Đặc biệt, cô được Thủ tướng tặng Bằng khen năm 2015 vì đã có thành tích
xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh./.

                          Vũ Thị Thu Hương, Phòng Nghiệp vụ TĐKT, Ban TĐKT