Phụ nữ khởi nghiệp và làm giàu trên mảnh đất quê hương

Create: T6, 09/25/2020 - 15:57
Author: admin

     Chị Hoàng Hồng Nhung, Sinh năm 1994, thôn Mu Cai Pha, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn được biết đến bởi sự đảm đang, tháo vát, tích cực phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu. Chị cũng là một trong những gương điển hình tiên tiến được nhận bằng khen của UBND tỉnh tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Lạng Sơn lần thứ V giai đoạn 2020-2025.

     Xuất thân từ một gia đình thuần nông, chị Nhung luôn trăn trở phải tìm ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế để nâng cao cuộc sống. Từ năm 2005, gia đình chị đã chế biến gừng, nghệ khô để xuất khẩu ra nước ngoài như: Nhật Bản, Hà Lan,... xuất phát từ nhu cầu của thị trường đến năm 2016 nhận thấy nhu cầu chữa bệnh và làm đẹp từ sản phẩm thiên nhiên tăng cao, chính vì vậy chị mạnh dạn đầu tư máy móc sản xuất tinh bột nghệ. Năm 2019, khi được triển khai chương trình OCOP, chị đã làm hồ sơ đăng ký tham gia với sản phẩm là Tinh bột nghệ hữu cơ Hồng Nhung; Cơ sở sản xuất đăng ký kinh doanh theo hình thức hộ gia đình, với tổng số 8 - 10 lao động thường xuyên làm việc tại cơ sở, thu nhập bình quân 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu của cơ sở sản xuất năm 2017 đạt 600 triệu đồng, năm 2018 đạt 800 triệu đồng, năm 2019 đạt 1 tỷ đồng. Qua quá trình thực hiện các quy trình, thủ tục, thẩm định, đánh giá, phân hạng…, đến ngày 27/01/2020 sản phẩm đã được UBND tỉnh Lạng Sơn cấp Giấy chứng nhận OCOP 3 sao.

1

Chị Hoàng Hồng Nhung tại Hội nghị công bố kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2019

     Trải qua nhiều năm sản xuất đến nay cơ sở sản xuất tinh bột nghệ hữu cơ Hồng Nhung đã được nhiều người biết đến, khách hàng tin tưởng sản phẩm, thị trường tiêu thụ mở rộng, cơ sở sản xuất liên kết, hợp tác với nhiều cửa hàng nông sản sạch, liên kết OCCOP, thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng hơn (Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Nội, Bắc Giang, Kon Tum…). Cơ sở sản xuất đã tạo công ăn việc làm, góp phần tạo thu nhập ổn định cho lao động tại địa phương, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới; làm thay đổi tập quán sản xuất, hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn góp phần tái cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp, thay đổi tư duy làm nông nghiệp manh mún của người dân địa phương.

2

Quá trình sản xuất và đóng gói sản phẩm tại cơ sở sản xuất tinh bột nghệ Hồng Nhung

     Phát huy tiềm năng lợi thế của quê hương và sự quyết tâm tìm hướng đi mới trên chính mảnh đất quê hương mình, cơ sở sản xuất tinh bột nghệ Hồng Nhung đã vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng. Trong tương lai cơ sở tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân lựa chọn sản phẩm có lợi thế của địa phương, tăng nguồn nguyên liệu (nghệ tươi) tại chỗ để sản xuất tinh bột, đáp ứng nhu cầu thị trường phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung sản xuất theo hướng OCOP, nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm tinh bột nghệ Hồng Nhung; thành lập các mô hình tổ chức sản xuất tiên tiến doanh nghiệp, Hợp tác xã. Tạo các mối liên kết hợp tác trong nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm đầu tư mở rộng sản xuất gắn với chế biến tiêu thụ, tạo sản xuất ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm tinh bột nghệ, giữ vững thương hiệu sản phẩm OCOP có uy tín trên thị trường.

                                                                                                                                   Lương Thị Nga

                                                                                                                            Ban Thi đua - Khen thưởng