Vươn lên từ hai bàn tay trắng

Create: Tue, 11/07/2017 - 15:12
Author: admin

     Đến huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, gặp nhiều gương điển hình trong sản xuất kinh doanh, trong đó phải kể đến anh Lê Văn Thảo ở thôn 8 (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) xây dựng thành công trang trại chăn nuôi tổng hợp cho hiệu quả kinh tế cao, trở thành tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi được nhiều người biết đến.

         Chịu khó, nhanh nhạy, sáng tạo trong phát triển kinh tế từ hai bàn tay trắng, là những gì mà mọi người dân nơi đây nói về anh. Để có được ngày hôm nay, anh cũng phải trải qua những tháng ngày vất vả, cực nhọc. Xuất thân trong một gia đình nghèo, lấy vợ rồi sinh con, công việc thuần nông chờ vào mấy sào ruộng, chật vật xoay đủ nghề mà chẳng đủ sống, anh Thảo luôn trăn trở tìm cách phát triển kinh tế gia đình. Thời gian đầu, anh nghĩ đến việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, với vùng đất điều kiện canh tác khó khăn như Liên Khê, chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiệu quả không cao. Qua sách, báo và thăm quan một số mô hình phát triển kinh tế gia đình ở các địa phương khác trên địa bàn thành phố, anh nghĩ đến hướng làm kinh tế trang trại là phù hợp nhất. Năm 2007, anh bàn với vợ dồn đổi đồng ruộng để lập trang trại. Cộng cả diện tích canh tác sẵn có của gia đình, anh dồn đổi được hơn 36.000 m2. Trên diện tích này, anh xây trại nuôi vịt đẻ và đào ao nuôi cá. Thời gian đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi anh Hiển chỉ dám đầu tư nuôi khoảng 1000 con vịt siêu trứng. Vừa chăn nuôi, anh vừa học hỏi kinh nghiệm của những người thành công trong nuôi vịt đẻ, tìm hiểu thông tin về cách xây dựng chuồng trại, cách chăm sóc nuôi dưỡng và phòng, trị bệnh cho vịt. Đàn vịt nuôi của gia đình anh lớn nhanh, khỏe mạnh, ít bị bệnh, tỷ lệ đẻ trứng cao. Trung bình một ngày, 1000 con vịt đẻ 800 - 850 quả trứng, thu được 2 - 2,5 triệu đồng. Để tận dụng nguồn thức ăn, anh đào 4 ao nuôi cá, chủ yếu các loại cá truyền thống như trôi, trắm, mè; đồng thời xây thêm trại nuôi lợn. Dần dần kinh tế gia đình anh Hiển ổn định, dần khấm khá hơn.

         Năm 2010, anh mạnh dạn vay thêm 500 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh huyện Thủy Nguyên để đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi. Anh đầu tư thêm lò ấp trứng để làm trứng vịt lộn và vịt giống. Do tạo được uy tín nên trứng vịt lộn và vịt giống của gia đình anh được nhiều tiểu thương đặt mua. Trên diện tích đất còn lại, anh trồng thêm một số loại cây như chuối, dưa hấu. Với mô hình này, tính từ năm 2013 đến năm 2016, trung bình doanh thu từ trang trại của gia đình anh Thảo đạt gần 800 triệu đồng/năm. Riêng trong năm 2016, doanh thu của gia đình anh đạt 6 tỷ đồng,  sau trừ chi phí lợi nhuận đạt 961 triệu đồng.

        Anh được Hội Nông dân huyện Thủy Nguyên đánh giá là gương nông dân dám nghĩ, dám làm, chịu khó học hỏi và áp dụng kỹ thuật khoa học vào sản xuất. Nhờ đó, mô hình kinh tế của gia đình anh Thảo là một trong những mô hình kinh tế trang trại tiêu biểu của huyện Thủy Nguyên. Không chỉ chịu khó làm giàu, phát triển kinh tế gia đình, anh Thảo hăng hái tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, có tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái giúp đỡ những hộ nghèo, gia đình chính sách... Hằng năm, anh hướng dẫn phổ biến kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 20 - 30 lao động; giải quyết việc làm cho 15 - 20 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/ người/tháng; giúp đỡ những hộ nghèo, hộ chính sách, hộ gặp hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn ở địa phương vượt qua nghèo khó vươn lên.

        Với những thành tích đạt được, nhiều năm liền anh được công nhận hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố.  Năm 2015, anh Thảo được UBND thành phố tặng bằng khen vì thành tích trong thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Hội Nông dân huyện Thủy Nguyên hướng dẫn anh Thảo làm báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho những đóng góp của anh đối với cộng đồng xã hội.

Tuấn Minh