Cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi – bà Nguyễn Thị Long, thôn Bãi Danh, xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn

Create: T6, 05/25/2018 - 10:28
Author: admin

Sinh ra và lớn lên tại xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, bà Nguyễn Thị Long xung phong vào lực lượng thanh niên xung phong ở đơn vị Đại đội 5 đội N341. Tháng 3/1976, bà hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương. Vất vả sớm hôm để lo toan cuộc sống mà vẫn túng thiếu đủ đường, bởi phong tục tập quán canh tác lạc hậu từ ngày xưa để lại. Với nghị lực của người đội viên thanh niên xung phong, bà Long suy nghĩ phải tìm cách để vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng.

Nghĩ là làm, bà Long đã tranh thủ khi đất đai còn hoang hóa, bà khai phá, thu gom dẫn các mảnh đất hoang hóa, nhỏ lẻ dọc hai bên sườn núi tạo nên một khu đất rộng khoảng 2ha để xây dựng trang trại, trồng cây ăn quả theo mô hình “vườn đồi”. Trên sườn núi, bà trồng na và xen canh các cây ăn quả khác, dưới chân núi đất bằng, bà trồng cây bưởi diễn, bưởi da xanh, xen canh các loại cây nông sản ngắn ngày. Trong vườn chăn nuôi gia súc, gia cầm tạo nguồn phân bón tại chỗ cho cây. Nhưng “Cái khó nó bó cái khôn”, hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có tài sản để thế chấp vay vốn đầu tư, nên trang trại chủ yếu là trồng các cây nông sản có giá trị kinh tế thấp, chỉ đủ tự cung tự cấp cho gia đình. Không cam chịu trước những khó khăn, bà đã tìm cách tạo vốn bằng hình thức lấy ngắn nuôi dài.

Đầu tiên, bà trồng 500 cây na dai thử nghiệm và xen canh các loại cây ngắn ngày kết hợp chăn nuôi. Năm 2010, với số vốn tích lũy được từ mô hình kinh tế lấy ngắn nuôi dài, bà tiếp tục đầu tư trồng thêm 1.500 cây na dai, 200 cây bưởi diễn, bưởi da xanh. Hiện nay, trang trại gia đình bà Long có 2.000 cây na dai, 200 cây bưởi đã cho thu hoạch, bà nuôi thêm 2 con lợn nái sinh sản, 200 con gà, vịt và trồng 1 ha lúa nước. Sau những năm cần cù chăm chỉ, trời không phụ lòng người, từ năm 2016, 2017, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình bà Long thu về gần 300 triệu đồng/năm.

Khi mô hình kinh tế đã ổn định, bớt khó khăn trong cuộc sống, bà Long đã dành thời gian quan tâm, chăm sóc bồi đắp tình cảm cho đồng chí, đồng đội của mình. Hằng năm, bà đều đóng góp kinh phí hỗ trợ cho Hội hoạt động, tích cực tham gia đóng góp quỹ nhân đạo từ thiện, quỹ vì người nghèo, quỹ nghĩa tình đồng đội. Quan tâm giúp đỡ tạo việc làm cho từ 5 đến 7 lao động theo mùa vụ, với tiền công từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng. Không chỉ lo làm giàu cho gia đình, bà Long còn cho 10 lượt cựu thanh niên xung phong và nông dân trong thôn có hoàn cảnh khó khăn vay vốn không lấy lãi để phát triển kinh tế gia đình; tận tình chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho bà con. Ngoài ra bà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương và luôn nêu cao phẩm chất thanh niên xung phong.

Hằng năm gia đình bà Long đều được công nhận gia đình văn hóa, năm 2016 được UBND huyện Hữu Lũng tặng Giấy khen, năm 2017 gia đình bà vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích có mô hình phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng./.

gh

Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình bà Nguyễn Thị Long cho thu nhập gần 300 triệu đồng/năm. Góp phần giải quyết việc làm cho 5 đến 7 lao động thời vụ tại địa phương.

                                Sầm Thị Thanh Hiếu, Chuyên viên Phòng Nghiệp vụ TĐKT, Ban TĐKT