Người cán bộ quản lý “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”.

Create: T6, 05/25/2018 - 16:39
Author: admin

Chị Nguyễn Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Tân Lập, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn sinh ra và lớn lên tại xã Hương Mai, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Chị vào công tác trong ngành giáo dục từ năm 1994, là cán bộ quản lý từ năm 2003. Tháng 3/2016, chị được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Tân Lập. Chị chia sẻ, nhớ ngày đầu đến Trường, cơ sở vật chất và các điều kiện học tập gặp muôn vàn khó khăn, trường chỉ có 6 phòng học cấp 4 xây dựng từ năm 2000, 7 phòng công vụ giáo viên và 01 bếp ăn bán trú. Lớp học thiếu, học sinh phải học nhờ nhà văn hóa thôn, các phòng chức năng và nhà vệ sinh không có; nhà trường không có nước sạch mà hàng ngày phải tự mang nước ở nhà đi uống; học sinh được ăn trưa tại trường 2 ngày/tuần nhưng không được ngủ trưa do thiếu các điều kiện cần thiết, toàn bộ bàn ghế học sinh là bàn ghế gỗ 4 chỗ ngồi quá cũ; sách truyện trong thư viện ít không đủ mỗi học sinh 1 cuốn. 

Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ và chất lượng giáo dục chưa được khẳng định (chưa có giáo viên giỏi cấp huyện và chiến sĩ thi đua cơ sở, học sinh và giáo viên tham gia các cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh chưa đạt giải).

Đứng trước những khó khăn trên, sau nhiều ngày trăn trở suy nghĩ, chị đã tìm ra giải pháp đột phá tạo được sự chuyển biến tích cực, rõ nét về chất lượng giáo dục, chất lượng đội ngũ và cảnh quan của Trường. Vì điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, nên học sinh chỉ học một buổi, năm học 2016 – 2017 chị đã có sáng kiến “Giải pháp chuyển đổi mô hình trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học xã Tân Lập học một buổi/ngày thành trường học 2 buổi/ngày”, giải pháp học 2 buổi/ngày đã giúp các em học bài buổi sáng trên lớp bớt căng thẳng, buổi chiều dùng để ôn bài buổi sáng, làm bài tập và học các môn năng khiếu. Ngoài trường chính, nhà trường còn có có 4 điểm trường, do vậy khi thực hiện giải pháp học 2 buổi/ngày, nhà trường phải ghép điểm trường (từ 4 điểm thành 2 điểm) để đảm bảo đủ 1 lớp/1 phòng học và nhà trường phải thuê lao động chở cơm từ trường chính đến điểm trường lẻ để 100% học sinh các lớp được ăn trưa tại trường bằng nguồn kinh phí huy động từ phụ huynh. Bên cạnh đó chị đã cho cải tạo nguồn nước sinh hoạt, lắp đặt hệ thống nước sạch dẫn đến lớp học và các điểm trường để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của học sinh.

Trước tình trạng thiếu phòng học và một số phòng học đã xuống cấp, Chị bàn với lãnh đạo trường tham mưu với lãnh đạo các cấp xin kinh phí xây dựng 2 phòng học  mới và sửa 4 phòng học đã xuống cấp. Với 2000m2  đất, chị đã có sáng kiến xây dựng mô hình “Vườn hoa đất Việt”, bằng cách trồng các loại hoa và cây lá màu theo dáng hình tổ quốc Việt Nam. Thông qua mô hình, gắn bài học và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp đã bồi dưỡng cho học sinh tình yêu lao động, yêu quê hương đất nước và ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Mô hình “Vườn hoa đất Việt” đã tạo nên diện mạo mới cho ngôi Trường, được cộng đồng xã hội đánh giá cao về ý tưởng sáng tạo, tính giáo dục thực tế và được Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh giới thiệu nhân kỉ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam với tên gọi “Vẻ đẹp ngôi trường Vùng 3” và được 2 trường của huyện Chi Lăng tới học tập kinh nghiệm.

Ngoài việc dành nhiều thời gian và công sức cho công tác quản lý, chị Hảo còn là cá nhân điển hình trong công tác “Dân vận khéo”, chị đã mạnh dạn tham mưu và huy động mọi nguồn lực ủng hộ nâng cấp cơ sở vật chất và chăm lo đời sống cho học sinh nghèo, sau 2 năm thực hiện, đã vận động xây dựng được 02 nhà vệ sinh, 01 phòng đọc, 01 thư viện thân thiện, 2 phòng kho, 1 sân khấu ngoài trời; bê tông 600m2 sân trường và tường rào; sửa 6 phòng học và mở rộng diện tích phòng ăn, nhà xe; trang bị 105 bộ bàn ghế, 12 tủ, 27 ghế đá, 4 xích đu, 15 thiết bị vận động thể lực, 1329 ngày công và tiền mặt với tổng trị giá 713.969.500đ.

Bên cạnh đó Chị còn tổ chức nhiều chương trình mang tính sáng tạo như: “Ngày hội tặng sách”, “Hũ gạo tình thương”, “Tấm áo nghĩa tình cho em”, “Nhịp cầu yêu thương - tiếp sức tới trường” để chăm lo “Ba đủ” và cải thiện đời sống cho học sinh nghèo. Thông qua các chương trình đã huy động được 622 cuốn sách truyện, 200 đôi dép, 383 đôi tất, 161 áo khoác, 30 khăn quàng, 6 chăn mùa đông, 1.469 kg gạo, 35 xuất quà tết, 14 cặp sách và nhiều đồ dùng học tập với tổng trị giá 119.776.500đ.

Để cải thiện chất lượng đội ngũ và nâng cao kết quả học tập của học sinh, chị đã đăng ký và chủ động mời cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán trường Tiểu học xã Vân Nham - Hữu Lũng đến trường giúp đỡ và tư vấn cho đội ngũ giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy. Tổ chức 2 lần/năm học cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường giao lưu, học tập kinh nghiệm tại 4 trường chuẩn quốc gia trong huyện. Chỉ đạo dạy học phân hóa đối tượng thông qua sinh hoạt các câu lạc bộ và bồi dưỡng năng lực học tập cho học sinh gắn với giáo dục kĩ năng sống thông qua các hoạt động tập thể như: Ngày hội khéo tay hay làm; Một ngày em làm bộ đội, ngày hội trăng rằm, Lễ sinh nhật tập thể học sinh. Tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh tham quan, trải nghiệm thực tế tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh như Văn miếu - Quốc Tử Giám, Côn Sơn - Kiếp Bạc; Đền thờ nhà giáo Chu Văn An, Đền Đô, Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, khu danh thắng Hồ núi cốc…

Sau bao nhiêu nỗ lực của tập thể nhà trường và sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Phòng Giáo dục Đào tạo huyện, sự ủng hộ của Chính quyền địa phương, và sự đồng lòng của phụ huynh học sinh, năm học 2016 - 2017 cảnh quan nhà trường đã được đổi thay, chất lượng đội ngũ được nâng lên với 3 giáo viên giỏi cấp Huyện, 3 chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 5 lượt giáo viên đạt giải thể thao cấp Huyện, 3 giáo viên được khen thưởng và 7 sáng kiến được công nhận. Chất lượng giáo dục có nhiều khởi sắc với 25 học sinh đạt giải cấp Huyện và 5 học sinh đạt giải cấp Tỉnh. Tập thể Trường đạt giải Nhì hội thi giao lưu giá trị cốt lõi và mô hình nhà trường cấp Huyện và được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tặng Giấy khen là đơn vị tiêu biểu về việc xác định và thực hiện giá trị cốt lõi nhà trường năm học 2017 – 2018. Chi bộ đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh 2 năm liên tục.

Trong công việc chị Hảo luôn năng động, sáng tạo, trong đời thường Chị khiêm tốn, hòa đồng, thân thiện với mọi người xung quanh, chị còn là người mẹ, người vợ, người con hiếu thảo, có ý thức trách nhiệm xây dựng hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái chăm ngoan, học giỏi.

Không những là điển hình “Dân vận khéo”, liên tục từ năm 2008 đến năm 2018 Chị được công nhận là nữ nhà giáo “Giỏi việc trường, Đảm việc nhà”, được công nhận là giáo viên giỏi cấp Tỉnh năm 2003, chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh năm 2005, cán bộ quản lý giỏi xuất sắc cấp Tỉnh năm 2011 và 8 năm liền được công nhận giáo viên  giỏi, chiến sĩ thi đua cơ sở. Ghi nhận thành tích đóng góp của chị, các ngành các cấp đã tặng nhiều giấy khen và phần thưởng, năm 2016 chị vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã đạt thành tích hai năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018) Chị là một trong 4 điển hình tiên tiến tiêu biểu của Ngành Giáo dục được cử tham dự Lễ kỷ niệm do UBND tỉnh tổ chức vào đầu tháng 6/2018.

1

 

23

Một số hình ảnh của Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Tân Lập

(ảnh do Trường cung cấp)

Sầm Thị Thanh Hiếu, Chuyên viên Phòng Nghiệp vụ TĐKT, Ban TĐKT