Giới thiệu gương Cựu TNXP – Công dân Lạng Sơn ưu tú Nguyễn Anh Nhưỡng – Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Lạng Sơn.

Create: T6, 10/27/2023 - 01:04
Author: admin

        Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ luôn dạy nhiều điều hay, lẽ phải cho nhiều thế hệ, sau này được Đảng, Nhà nước đút kết thành những giá trị về tư tưởng, đạo đức, phong cách và được cán bộ, đảng viên, quần chúng học tập và làm theo. Với ông Nguyễn Anh Nhưỡng, Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh, học tập và làm theo lời Bác được ông vận dụng sâu sắc từ những tình cảm mà Bác dành tặng cho lực lượng TNXP với 4 câu thơ: "Không có việc gì khó; Chỉ sợ lòng không bền; Đào núi và lấp biển; Quyết chí ắt làm nên" vào quá trình gần 60 năm công tác của mình.

        Từ cán bộ kỹ thuật ngành thủy lợi, giao thông

        Mặc dù ông là 1 trong 5 công dân ưu tú Lạng Sơn được tôn vinh vào cuối tháng 10 năm 2021, nhưng do nhiều công việc nên đến thời điểm này, cuộc trò chuyện với ông mới được thực hiện.

Ath1

Ông Nguyễn Anh Nhưỡng, Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh Lạng Sơn

        Vẫn khuôn mặt sáng, giọng nói hào sảng khỏe khoắn, tóc đã không còn sợi đen, ở cái tuổi 81 - tuổi mụ cách tính theo các cụ, nhưng ông vẫn nhớ như in những năm tháng công tác của mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

        “Là cán bộ miền xuôi (quê Thái Bình), năm 1963 sau khi tốt nghiệp ngành học Thủy công, Học viện Thủy lợi, tôi được điều động lên Lạng Sơn công tác cho đến khi nghỉ hưu”. Ông Nhưỡng kể.

        Từ năm 1964 đến 1970, làm cán bộ kỹ thuật Ty Thủy lợi, ông đã tham gia thi công rất nhiều công trình thủy lợi ở huyện (như đập Bản Nầng) huyện Văn Quan, (đập Tà Keo, Nà Cáy, Bản Chành, Thung Seo) huyện Lộc Bình, (đập Kéo Quân, Khôn Tùng) huyện Tràng Định, (đập Quan Sơn) huyện Chi Lăng, (đập Quyết Thắng) huyện Hữu Lũng...góp phần xây dựng hạ tầng cơ sở phát triển nền kinh tế nông nghiệp tỉnh Lạng Sơn. Sau 2 năm công tác, ông được kết nạp Đảng khi mới 22 tuổi.

        Từ năm 1972 đến giữa năm 1976, khi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ mở rộng ra miền Bắc, ông được tỉnh điều động làm đội trưởng đội TNXP - N57 làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông, giải tỏa, bảo vệ hàng hóa ở cảng nổi Lạng Sơn, khắc phục hậu quả máy bay Mỹ bắn phá cầu, đường Lạng Sơn. Ông đã chỉ đạo Đội TNXP-N57 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tỉnh đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba cho Đội TNXP – N57. Và từ năm 1978 đến tháng 4 năm 1979, ông được tỉnh điều động làm Phó Trưởng ban Tổng chỉ huy công trường đường chiến lược Bình Gia- Văn Mịch- Thất Khê.

        Ông kể: “Chưa có thời kỳ nào lại gian khổ khó khăn như thời kỳ làm đường chiến lược Bình Gia- Văn Mịch- Thất Khê, với chiều dài toàn tuyến chừng 58 cây số, nhưng lúc đó không có điện, thiếu nước sinh hoạt, thi công chủ yếu bằng thủ công (cuốc, xẻng) và sức người, nhưng tôi đã chỉ đạo hơn 1.000 thanh niên chủ lực trên công trường vừa làm nhiệm vụ phá đá, mở đường, vừa làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu tiếp tế lương thực, đạn dược, cáng tải thương binh về phía sau, phục vụ chiến đấu ở mặt trận tiền phương huyện Tràng Định và điểm tựa 820, điểm tựa Đội Cấn”.

        Từ tháng 05/1979 đến tháng 03 năm 1994, ông được cử làm Giám đốc Công ty cầu đường bộ 1 (sau là Công ty công trình giao thông 1 Lạng Sơn), ông đã lãnh đạo Công ty liên tục hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch của ngành, của tỉnh giao, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, xây dựng công ty trở thành đơn vị tiên tiến, toàn diện, là lá cờ đầu trong phong trào thi đua của ngành giao thông vận tải Lạng Sơn kể cả lao động sản xuất, thể dục, thể thao, văn nghệ, học tập bổ túc văn hóa cho công nhân, xây dựng tiểu đoàn tự vệ vững mạnh…được tỉnh đề nghị Nhà nước tặng thưởng 04 Huân chương Lao động (1 hạng Ba, 02 hạng Nhì, 01 hạng Nhất).

        Từ tháng 4 năm 1994 cho đến khi nghỉ hưu (2003), ông được giao nhiệm vụ làm Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh, Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp của ngành Giao thông vận tải Lạng Sơn. Với nhiệm vụ được phân công, ông đều phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ông đã cùng lãnh đạo sở tổ chức thực hiện liên tục các năm ngành Giao thông vận tải đều hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ của tỉnh, Bộ GTVT giao; ngành giao thông vận tải cũng là ngành đầu tiên của tỉnh hoàn thành kế hoạch đổi mới, sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp được UBND tỉnh, Bộ Giao thông vận tải, Ban An toàn giao thông quốc gia tặng Cờ thi đua và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho Sở GTVT Lạng Sơn.

        Đến “thủ lĩnh” của Hội Cựu thanh niên xung phong

        Sau khi được Nhà nước cho nghỉ (năm 2003) khi tròn 40 năm công tác trong các ngành thủy lợi, giao thông, ông Nhưỡng lại được tỉnh giao nhiệm vụ vận động thành lập tổ chức Hội cựu TNXP các cấp để từng bước chỉ đạo, xây dựng tổ chức Hội. Năm 2005, Đại hội đầu tiên của Hội, ông được bầu làm Chủ tịch, hiện  nay (2023), ông đang làm Chủ tịch Hội khóa thứ tư.

ath2

Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh Nguyễn Anh Nhưỡng tặng giấy khen cho các tập thể
có nhiều thành tích xuất sắc
trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị

        “Với nhiệm vụ mới được giao, việc đầu tiên tôi làm là giải quyết chế độ, chính sách đối với cựu TNXP hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến”. Ông Nhưỡng kể: “sau hơn 30 năm hoàn thành nhiệm vụ của một TNXP trong kháng chiến, có người mất, có người còn, cũng có người lớn tuổi không còn nhớ gì nhiều, làm thế nào xác định được những người đã hoàn thành nhiệm vụ khi tham gia TNXP, để họ được hưởng chế độ, thế rồi bằng việc xác minh tỉ mỉ từ xã, đến huyện, đến tỉnh và đến những người đồng đội tham gia cùng thời và với chủ động phối hợp với các sở ngành liên quan, đến nay, đã có 3.605 cựu TNXP hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến được tặng kỷ niệm chương của Trung ương Đoàn; 2.484 cựu TNXP được trợ cấp 1 lần; 1.842 trường hợp được cấp thẻ bảo hiểm y tế, 595 trường hợp từ trần, thân nhân được trợ cấp tiền mai táng phí; 10 trường hợp được công nhận là liệt sỹ, 22 trường hợp được công nhận là thương binh, 61 cựu TNXP được trợ cấp hằng tháng;… tỉnh Lạng Sơn cơ bản đã hoàn thành việc giải quyết chế độ, chính sách đối với cựu TNXP hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến, không còn hồ sơ tồn đọng, không xảy ra tiêu cực và đơn thư tố cáo, khiếu nại”.

        Là người công tác lâu năm với ông Nhưỡng từ khi còn ở ngành Giao thông vận tải, ông Hà Thanh Bội, Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh chia sẻ với niềm trân trọng và tự hào về người anh của Hội: “Bác Nguyễn Anh Nhưỡng là một trong những cán bộ miền xuôi lên công tác miền núi từ những năm 60 cho đến nay. Trong quá trình sống và làm việc cùng với bác, chúng tôi nhận thấy bác là một cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm, năng động, sáng tạo trong công việc. Từ năm 2005 đến nay, bác đảm nhận Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh. Tuy tuổi cao bác vẫn phát huy một thủ lĩnh TNXP”.

        Trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào, nhận thấy nhiều cựu TNXP hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến còn nhiều khó khăn về đời sống, chưa có nhà ở hoặc nhà ở xuống cấp, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất…ông Nhưỡng và tập thể lãnh đạo Hội đã chỉ đạo Hội cựu TNXP các cấp thực hiện có hiệu quả hoạt động “Vì nghĩa tình đồng đội”, qua đó tuyên truyền, vận động quyên góp ủng hộ xây mới 254 nhà tình nghĩa, sửa chữa 101 nhà với tổng trị giá kinh phí trên 18 tỷ đồng tặng 355 cựu TNXP nghèo; Hội phát động phong trào cựu TNXP làm kinh tế, giúp nhau giảm nghèo bền vững, trong đó giúp đỡ 755 hộ thoát được nghèo…

        “Trước năm 2015, gia đình tôi thuộc diện nghèo, sau đó được động viên của  Tỉnh Hội, Huyện hội, năm 2016 tôi vay ngân hàng 50 triệu đồng, sẵn có đất đai tài nguyên, tôi mạnh dạn trồng 20.000 cây bạch đàn trên diện tích 12 ha đất đồi, đào 2 ao cá và trồng thêm măng bát độ, nuôi gà và các loại cây ăn quả khác… kinh tế bước đầu khá lên, năm 2019 tôi viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo”. Ông Hoàng Văn Lập, thôn Trang Hạ, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng hào hứng cho phóng viên biết.

        Còn bà Nguyễn Thị Lý, xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng, cũng có hoàn cảnh tương tự, thấy vậy Hội cựu TNXP xã đã vận động 10 hộ gia đình Cựu TNXP cùng đóng góp mỗi người một triệu đồng, huy động trên 200 ngày công để cùng bà Lý mua vật liệu, đầu tư con giống, vật nuôi, xây dựng trang trại, sau vài năm nỗ lực, đến năm 2020, gia đình bà Lý cũng viết đơn xin thoát nghèo.

        Ngoài ra, ông Nhưỡng cùng với tập thể Hội còn chỉ đạo thực hiện tốt nhiều hoạt động như phong trào thi đua “Lạng Sơn chung sức xây dựng nông thôn mới, trong đó vận động cựu TNXP hiến trên 23 nghìn mét vuông đất để xây dựng hạ tầng cơ sở, quyên góp tiếp nhận, tặng 8.760 suất quà, trị giá gần 3 tỷ 500 triệu đồng cho cựu TNXP thuộc diện khó khăn và nhiều hoạt động chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau…Với những thành tích hoạt động, Hội cựu TNXP tỉnh đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ tặng 01 bằng khen, UBND tỉnh tặng 3 cờ thi đua xuất sắc và 11 bằng khen, Trung ương Hội tặng 13 cờ thi đua và 06 bằng khen.

        Cá nhân ông Nhưỡng trong gần 60 công tác và công hiến đã 5 lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 01 Huân chương kháng chiến hạng Ba, 01 Huân chương Lao động hạng Ba; được Chủ tịch Hội đồng Bộ trường và Thủ tướng Chính phủ tặng 02 bằng khen; được Bộ Giao thông vận tải tặng 03 bằng khen; Hội cựu TNXP Việt nam tặng 06 bằng khen; được Chủ tịch UBND tỉnh tặng 17 bằng khen và nhiều huy chương, kỷ niệm chương của các bộ, ngành, Trung ương Đoàn.

        Và danh hiệu Công dân Lạng Sơn ưu tú

ath

Ông Nguyễn Anh Nhưỡng (thứ 2 từ trái sang) nhận Quyết định
công nhận Danh hiệu Công dân ưu tú tỉnh Lạng Sơn lần thứ nhất năm 2021

        Mặc dù đã được nghỉ hưu, nhiều người sẽ chọn an nhàn tuổi già, sớm hôm vui vầy cùng con cháu, nhưng với ông Nhưỡng khi được giao nhiệm vụ, ông vẫn canh cánh làm sao đẩy mạnh được phong trào cựu TNXP phát triển vững mạnh. Ngoài thành tích đã kể trên, hằng năm ông đều đưa ra những hoạt động mà nhiều tỉnh, thành hội trên toàn quốc chưa làm hoặc chưa nghĩ ra, chẳng hạn như trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, Hội cựu TNXP tỉnh đều tổ chức phát động phong trào, xây dựng mục tiêu phấn đấu, rồi tổng kết, biểu dương khen thưởng sau 5 năm thực hiện đối với các tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu xuất sắc, hay như tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm TNXP thực hiện Di chúc của Bác Hồ, tổ chức Hội thảo khoa học mang tầm khu vực nhân kỷ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng TNXP Việt Nam 4 câu thơ “Không có việc gì khó; Chỉ sợ lòng không bền; Đào núi và lấp biển; Quyết chí ắt làm nên" được lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Trung ương Đoàn, Trung ương Hội và Ban Tuyên giáo các tỉnh trong khu vực đánh giá rất cao.

        Tại Hội nghị tổng kết chương trình phối hợp hành động giai đoạn 2019-2021, ký kết chương trình phối hợp hành động giai đoạn 2022-2025 tháng 3 vừa qua, ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội cựu TNXP Việt Nam đánh giá: Chỉ có Hội cựu TNXP Lạng Sơn làm được và làm quá xuất sắc trong nhiều hoạt động, từ giải quyết chế độ, chính sách cho cựu TNXP hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến, đến các hoạt động phong trào, Hội cựu TNXP Lạng Sơn là Tỉnh Hội đầu tiên thuộc Hội cựu TNXP Việt Nam nhiều năm là Hội đi trước, dẫn đầu mọi phong trào, trên nhiều lĩnh vực, đạt nhiều hiệu quả, thiết thực, có nhiều mô hình triển khai và cách làm mà các tỉnh, thành hội khác cần tham khảo, học tập và làm theo.

        Với ông Nhưỡng, học tập và làm theo lời Bác được ông vận dụng sâu sắc từ những tình cảm mà Bác dành tặng cho TNXP cách đây 71 năm và ông đã làm được và thành công. Vào cuối tháng 10 năm ngoái, dịp kỷ niệm 190 năm ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn, ông Nguyễn Anh Nhưỡng vinh dự là 1 trong 5 Công dân Lạng Sơn ưu tú lần thứ nhất năm 2021 được tôn vinh, đó không chỉ là niềm vinh dự, tự hào cho cá nhân, gia đình ông, của ngành công tác mà ông đã đi qua, mà là phần thưởng xứng đáng đối với một cán bộ, đảng viên gương mẫu, một cựu TNXP trong sáng, mẫu mực, hết lòng, hết sức vì công việc.

        Kết thúc bài viết này, tôi xin mượn lời ông Vũ Đức Đàm, Chủ tịch Hội cựu TNXP huyện Chi Lăng nói về người “thủ lĩnh” của Hội: “Đồng nghiệp, đồng chí, đồng đội không chỉ nể trọng ông Nhưỡng với lòng nhiệt huyết với công việc, nể trọng bởi những tấm bằng khen, những tấm huân, huy chương, mà còn bởi ông là người sống có nghĩa, có tình, có trách nhiệm và hết sức khiêm nhường. Mỗi lần nói về thành tích của mình ông đều nói về “chúng tôi”, bởi ông cho rằng “Thành công nào cũng đều có sự nỗ lực của tập thể”. Ở tuổi 80, gần 60 năm cống hiến trí tuệ, tâm sức cho xã hội, đến nay ông vẫn chưa nghỉ, vẫn hăng say với những công việc lặng thầm, cùng tâm niệm “Còn sức, còn cống hiến”.

 

 

Phùng Khiêm
 Hội Nhà báo tỉnh Lạng Sơn