Hội viên Phụ nữ làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình hạnh phúc

Create: T6, 06/26/2020 - 15:48
Author: admin

     Đó là chị Bế Thị Liên, hội viên nòng cốt Chi hội Phụ nữ khối phố Trần Đăng Ninh, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn. Sinh ra và lớn lên tại huyện Bắc Sơn, chị lập gia đình từ năm 1987, cuộc sống ban đầu rất khó khăn, chồng không có thu nhập ổn định, chỉ có thu nhập từ lương eo hẹp làm công chức xã của bản thân chị, gia đình không có nhiều đất ruộng, cuộc sống chủ yếu dựa vào chăn nuôi và buôn bán nhỏ.

     Với quyết tâm phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống vợ chồng chị đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện thông qua tổ chức Hội Phụ nữ để đầu tư phát triển kinh tế gia đình như mua cây, con giống, buôn bán cây thuốc lá... Nhưng do thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật nên việc chăn nuôi, trồng trọt không đạt hiệu quả cao.

     Không nản lòng, chị Liên luôn tích cực tham gia các hoạt động hội, các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do Hội LHPN thị trấn tổ chức, được học tập các gương điển hình làm kinh tế giỏi. Chị thấy mình tự tin hơn và tiếp tục bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình.

     Năm 2014, sau khi được tập huấn khoa học kỹ thuật về cách trồng và chăm sóc cây cam canh, chị nhận thấy cây cam canh là cây sinh trưởng khỏe, giống có năng suất cao, thích nghi rộng, tính chống chịu với sâu bệnh hại khá tốt lại được nhiều người ưa thích. Chị bàn bạc cùng chồng, con đi tham quan, học hỏi các mô hình kinh tế trong và ngoài huyện như mô hình trồng cam canh tại xã Tân Lập, mô hình trồng cam canh tại tỉnh Hưng Yên và đã mạnh dạn đầu tư 100 triệu đồng để mua 1.000 cây cam canh giống tại vườn cây ở Hưng Yên.

     Gia đình chị đã áp dụng đúng khoa học, kỹ thuật, đảm bảo tuân thủ đúng trình tự chăm sóc, năm đầu và năm thứ hai cây cho ra quả nhưng để đạt năng suất cao lâu dài chị đã cắt bỏ quả và không cho thu hoạch. Đến năm thứ ba (năm 2017) cây cam bắt đầu cho thu hoạch bình quân 1 cây cam cho thu hoạch quả 15kg/1 cây x 40.000đ = 600.000đ/1 cây; năm 2018 vì là đã có kinh nghiệm hơn trong chăm sóc nên cây cho năng suất cao hơn năm 2017, bình quân 1 cây cam cho thu hoạch 15,5kg/1 cây x 42.000đ/1kg = 651.000đ/1 cây Năm 2018, chị và chồng tiếp tục nghiên cứu qua các phương tiện thông tin như sách, báo, mạng Internet,... nắm rõ hơn đặc điểm, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam theo từng thời kỳ sinh trưởng để áp dụng cách chăm sóc phù hợp, kết quả quả cam đã căng, mọng nước, ngọt hơn những năm trước bình quân thu nhập 700.000đ/1 cây. Tổng thu nhập trừ chi phí trong 5 năm (từ năm 2014-2019) gia đình chị thu nhập được 1.600.000.000đ.

1

Ảnh 1: Chị Liên thu hoạch quả cam canh của gia đình

     Năm 2015, tận dụng các khoảng đất còn trống gia đình qua tìm hiểu thực tế về đặc điểm cây cam đồng tiền, cây bưởi diễn, cây ổi, thanh long và nhu cầu của người tiêu dùng, gia đình chị quyết định tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng cây cam đồng tiền với diện tích 01 ha đất trồng được 100 cây cam đồng tiền, do đầu tư cây to để trồng nên từ năm 2017 cây cam đồng tiền bắt đầu cho thu hoạch, bình quân mỗi năm thu được 50.000.000đ,  trồng thêm 100 cây bưởi diễn, cây ổi, thanh long cho thu nhập 40.000.000đ/năm, 3 năm thu được 190.000.000đ.

2

     Ảnh 2: Chị Liên thu hoạch quả cam đồng tiền của gia đình

     Với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, ham học hỏi, không dừng ở việc trồng trọt, chị còn bàn với chồng, con; năm... chị quyết định xây dựng chuồng trại, đầu tư chăn nuôi lợn, gà, chim bồ câu có thể cung cấp cho gia đình các bữa ăn sạch mà còn cung cấp thực phẩm sạch cho thị trường. Với ý chí quyết tâm và lòng kiên trì từ đó đến nay, chị đã thành công trong chăn nuôi, hiện gia đình chị có 10 con lợn, gần 200 con gà thả vườn, 150 con bồ câu nhốt chuồng, mỗi năm thu nhập trên 300 triệu đồng, đã trừ chi phí. Thu nhập từ thóc, lúa hoa mầu được 20 triệu đồng /năm.

     Từ những nỗ lực không ngừng của bản thân và gia đình, tổng thu nhập của gia đình sau khi đã trừ chi phí trong 3 năm 2017, 2018, 2019 là hơn 2,8 tỷ đồng.

     Không chỉ hăng say lao động sản xuất kinh doanh, bản thân và gia đình tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, quyên góp giúp những chị em gặp hoạn nạn, khó khăn về cây con giống, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, vốn sản xuất, hàng năm còn giải quyết việc làm theo thời vụ cho 10 lao động có mức thu nhập 5. Triệu đồng/tháng;....và các cuộc vận động, ủng hộ do địa phương và Hội Phụ nữ phát động như ủng hộ nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam, gia đình chính sách, người già cô đơn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hội viên, phụ nữ mắc bệnh hiểm nghèo...với số tiền trên 10 triệu đồng.

     Ngoài ra, là hội viên phụ nữ nòng cốt, chị luôn chú trọng việc tuyên truyền, vận động các thành viên trong gia đình chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Chị luôn quan niệm việc chăm sóc, nuôi dạy con là công việc vô cùng quan trọng, vợ chồng chị luôn xác định phải là chiếc gương để các con soi vào và noi theo. Mặc dù công việc chăn nuôi, trồng trọt bộn bề, vất vả nhưng chị luôn cố gắng dành thời gian để quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ hai con gái nên người. Có lẽ, tận mắt nhìn thấy sự vất vả của bố mẹ mà các con chị đều ngoan, vâng lời cha mẹ, tự giác bảo ban nhau học hành chăm chỉ và tích cực tham gia các hoạt động của trường, lớp, xã hội. Đến nay, hai cô con gái đều đã xây dựng gia đình và có công việc ổn định, đây thực sự là niềm hạnh phúc, tự hào của gia đình, hàng năm gia đình chị đều được công nhận gia đình văn hóa. Có thể nói chị Bế Thị Liên là tấm gương sáng về phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc để các hội viên phụ nữ trong tỉnh noi theo.

  TRIỆU THỊ HIỆP
  Văn phòng Hội LHPN tỉnh