Mô hình “Đèn học phát sáng bằng năng lượng nước nóng” của Học sinh dân tộc, vùng cao huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn

Create: T4, 03/28/2018 - 16:28
Author: admin

Em Đinh Thị Hải Hậu hiện là học sinh lớp 8 của trường phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập - một trong những xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh Lạng Sơn. Sinh ra và lớn lên trong gia đình còn gặp nhiều khó khăn, bố mẹ đều là nông dân, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào đồi, rừng nhưng bản thân em đã luôn khắc phục hoàn cảnh khó khăn, cố gắng học tập thật tốt. Hàng ngày, ngoài việc lên lớp, em Hậu còn phụ giúp gia đình những công việc phù hợp với lứa tuổi, những ngày nghỉ em vẫn thường theo mẹ đi làm trong rừng, chăn trâu, hái củi…

Trong suốt 8 năm học phổ thông, em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Bên cạnh việc cố gắng trong học tập, em Hậu còn luôn suy nghĩ để tìm cách giải quyết các vấn đề đang tồn tại trong cuộc sống. Từ đó, em đã nảy sinh nhiều ý tưởng khoa học, sáng tạo để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn của chính gia đình và địa phương mình.

Năm học 2016 - 2017, khi thấy gia đình của nhiều bạn trong trường còn chưa có điện. Điều đó khiến cho việc học tập của học sinh ở nhà gặp nhiều khó khăn, lại vừa gây ra một số tật về mắt và cột sống. Hậu đã suy nghĩ làm thế nào để học sinh vùng đặc biệt khó khăn có ánh sáng điện để phục vụ cho học tập và sinh hoạt mà không tốn kém, trong khi chờ có điện lưới Quốc gia.  Chính vì vậy, trên cơ sở kiến thức đã được học và dưới sự hướng dẫn của thầy cô trong trường, Hậu đã nghiên cứu và thực hiện thành công mô hình “Đèn học phát sáng bằng năng lượng nước nóng”. Ở đây, em đã nghiên cứu, tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ giữa hai mặt của sò nóng – lạnh bằng cách sử dụng nước nóng để cung cấp nhiệt cho mặt nóng và tản nhiệt cho mặt lạnh, để xuất hiện dòng điện. Dòng điện này được sử dụng để thắp sáng bóng đèn LED, phục vụ cho nhu cầu học tập và sinh hoạt của trẻ em vùng sâu vùng xa, chưa có điện. Đèn học có cấu tạo đơn giản, sử dụng các nguyên, vật liệu dễ kiếm gồm có 01 sò nóng - lạnh có giá 30.000 đồng, 01 bình giữ nhiệt tái chế từ hộp sữa đã qua sử dụng được bọc một lớp xốp có tác dụng giữ nhiệt và truyền nhiệt cho mặt nóng của sò nóng -lạnh, 01 miếng nhôm tản nhiệt được tái sử dụng từ phế liệu có tác dụng tản nhiệt cho mặt lạnh của sò nóng - lạnh, 01 bòng đèn LED có pha chiếu dùng để chiếu sáng.

Sản phẩm đã được sử dụng cho chính nhu cầu học tập và sinh hoạt của một số bạn học sinh trong trường. Do tuổi còn nhỏ, chưa có điều kiện để sản xuất, phát triển sản phẩm nên Hậu mới chỉ chế tạo được 05 sản phẩm. Tuy vậy, 05 sản phẩm này đã giúp thắp sáng những trang sách, trang vở của học sinh vùng cao, giúp cho việc học tập của các em trở nên dễ dàng hơn. Đặc biệt là không phải tốn kém tiền để mua dầu, mua nến… mà chỉ cần một phích nước nóng là đèn học có thể phát sáng liên tục trong nhiều giờ, với cường độ ánh sáng cao hơn rất nhiều lần so với đèn dầu.

Trong năm học 2016 - 2017, Hậu đã được Nhà trường phổ biến về cuộc thi “Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng” và em đã đăng ký tham gia với sản phẩm “Đèn học phát sáng bằng năng lượng nước nóng”. Kết quả sản phẩm của em đã đạt giải Ba cấp tỉnh và giải Nhì toàn quốc trong cuộc thi này. Từ cuộc thi và kết quả đạt được Hậu, có thể thấy rằng, nghiên cứu và sáng tạo không nhất thiết phải là các nghiên cứu cao siêu, mà có thể xuất phát từ những ý tưởng rất thực tế, rất đời thường, gắn liền với cuộc sống của chính bản thân và mọi người xung quanh. Ý tưởng khoa học có thể nảy sinh từ chính những vấn đề tồn tại xung quanh cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Mỗi một người trong xã hội đều có thể có những ý tưởng sáng tạo và sử dụng các kiến thức đã học để thực hiện ý tưởng ấy. Ngoài mô hình “Đèn học phát sáng bằng năng lượng nước nóng”, Hậu và thầy giáo hướng dẫn của em cũng đã và đang nghiên cứu nhiều đề tài khác có tính khả thi cao. Tất cả các đề tài đều có tính mới, tính sáng tạo và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho xã hội như: Nghiên cứu “Thiết bị bẫy côn trùng sử dụng năng lượng mặt trời”, nghiên cứu “Ổ điện an toàn không có lỗ cắm”, nghiên cứu “đèn năng lượng dây cót” v.v…

          Với kết quả trong học tập và nghiên cứu của mình, em Đinh Thị Hải Hậu đã vinh dự được lãnh đạo tỉnh chọn là một trong hai điển hình tiên tiến của tỉnh Lạng Sơn trong năm 2017 để tham gia Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2017 của 7 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc được tổ chức tại tỉnh Lào Cai ngày 21/3/2018. Tại Hội nghị này, em đã vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai.

 

 

2

    

2

Ảnh: Em Đinh Thị Hải Hậu nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai

            Đây vừa là vinh dự của bản thân em, vừa là niềm tự hào của nhà trường, của địa phương và của học sinh tỉnh Lạng Sơn trong học tập và tham gia nghiên cứu khoa học. Sự nỗ lực, cố gắng và phấn đấu của em Hậu chính là một tấm gương sáng để học sinh học tập, noi theo./.

 

                                                                    Trần Văn Ba

                                          Phòng Nghiệp vụ TĐKT, Ban TĐKT