UBND xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn với mô hình hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây quýt vàng Bắc Sơn tại khu vực lân lũng xen kẽ núi đá và kết hợp với phát triển du lịch

Create: T4, 06/06/2018 - 10:49
Author: admin

Căn cứ Kế hoạch của UBND huyện Bắc Sơn về Chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020, ưu tiên các sản phẩm chủ lực của địa phương. Trên cơ sở các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có thế mạnh của địa phương, UBND xã Chiến Thắng đã lựa chọn xây dựng các mô hình để triển khai thực hiện. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, việc phát triển kinh tế còn manh mún chưa tập trung, đầu ra của sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, do đó phải hình thành và phát triển các mô hình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Xây dựng nền nông nghiệp của xã phát triển theo hướng bền vững, phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, từng tiểu ngành trong hệ thống nông nghiệp bền vững để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành; chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2016 - 2020, trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế nông thôn miền núi đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. UBND xã luôn xác định được đây là chủ trương lớn và hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Chiến Thắng là xã miền núi của huyện Bắc Sơn, với đặc điểm là nhiều dãy núi đá vôi xen kẽ là các thung lũng khá bằng phẳng thuận tiện cho canh tác, mặt khác nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới được phân thành 4 mùa rõ rệt. Đó là những lợi thế và tiềm năng rất lớn để xã phát triển ngành nông - lâm nghiệp gắn với với xây dựng vùng nguyên liệu nông - lâm sản. Quýt vàng Bắc Sơn là cây ăn quả đặc sản của Xứ Lạng, được trồng tại các lân lũng thuộc vòng cung đá vôi. Đến hết năm 2017, tổng diện tích hiện đạt 84 ha, diện tích cho thu hoạch 56 ha.

Trong những năm gần đây, thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nhân dân đã di chuyển cây Quýt từ các khe núi xuống trồng tại các bãi nương bằng phẳng để thuận tiện cho việc chăm sóc. Ở giai đoạn quả chín thường vào mùa khô (khoảng tháng 10 âm lịch), do thiếu nước đã ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của sản phẩm. Do đó, giải pháp để hỗ trợ nguồn nước cho cây trồng trong giai đoạn này là rất cần thiết. Mô hình tưới nhỏ giọt được coi là một phương pháp tưới khoa học, kinh tế, do tiết kiệm nước tưới, đã được áp dụng khá phổ biến. Phương pháp tưới nhỏ giọt được sử dụng ở nơi cần tích trữ nước (trong mùa mưa), đặc biệt ở nơi thiếu nước. Năm 2017, được sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai thực hiện mô hình tước nước nhỏ giọt cho cây quýt tại địa bàn xã với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm (Nhà nước hỗ trợ vật liệu, nhân dân bỏ ngày công để lắp đặt và đào ao tích nước) do đó đã giảm đáng kể về chi phí. Tổng diện tích thực hiện năm 2017 là 28,7 ha với tổng mức đầu tư là 1.994.820.000đ (Ngân sách Nhà nước 1000.000.000, vốn nhân dân đóng góp là 994.820.000).

Thực hiện thành công mô hình hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây Quýt tạo tiền đề, tạo niềm tin cho người nông dân tiếp tục phát triển, nhân rộng diện tích cây trồng, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao để cung cấp cho thị trường, hình thành vùng chuyên canh theo hình thức liên kết sản xuất, góp phần thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo. Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực của địa phương có giá trị kinh tế và sức cạnh tranh trên thị trường, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn hoàn thiện hồ sơ để đăng ký nhãn hiệu tập thể và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Quýt Vàng Bắc Sơn. Trong năm 2017, được sự quan tâm của các Sở, ban, ngành, UBND huyện đã chỉ đạo triển khai thực hiện xây dựng quy trình sản xuất hàng hóa theo hướng VietGAP cho sản phẩm Quýt Vàng Bắc Sơn với diện tích là 17 ha cho các thành viên của Hợp tác xã nông nghiệp Nam Hồng xã Chiến Thắng.

Áp dụng triển khai mô hình tưới nước nhỏ giọt đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm chi phí cho người nông dân trong việc trồng và chăm sóc cho cây quýt trong việc tưới cây trong mùa khô hanh, tiết kiện nước tưới vì áp dụng tưới nhỏ giọt là để nước thấm dần vào đất giúp chuyển hóa các chất dinh dưỡng cho cây làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, việc áp dụng quy trình VietGAP cho sản xuất hàng hóa đối với sản phẩm "Quýt Vàng" Bắc Sơn tại HTX nông nghiệp Nam Hồng, sau khi được tập huấn về sản xuất hoa quả an toàn, các thành viên HTX đã mạnh dạn áp dụng vào vườn quýt quy trình sản xuất quýt sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, từ chăm sóc, tỉa cành, bón phân, phun truốc trừ sâu, tưới nước đến thu hái và bảo quản sản phẩm qua đó làm tăng giá thành sản phẩm đầu ra, sản lượng tăng lên đáng kể.

Bên cạnh việc thâm canh tăng năng suất cho cây quýt thì việc phát triển dịch vụ du lịch thăm quan vườn quýt đã và đang phát triển, thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến thăm quan. Trong năm 2017, trên địa bàn xã Chiến Thắng đã thu hút trên 30.000 lượt khách đến thăm quan các mô hình, trong đó nổi bật có vườn quýt của hộ gia đình ông Hoàng Cao Vinh, thôn Hồng Phòng 1, xã Chiến Thắng.

Với tiềm năng phát triển, nhận định đây là một mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân trong xã, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của xã Chiến Thắng nói riêng và của huyện nhà chung và có khả năng nhận rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian tới.

Ghi nhận những nỗ lực của nhân dân và cán bộ xã Chiến Thắng trong xây dựng nông thôn mới, năm 2017 Ủy ban nhân dân Lạng Sơn đã tặng bằng khen do có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới.

 q

hình trồng quýt tại huyện Bắc Sơn (Ảnh: hoinongdan.org.vn)

Ong Thị An, Phòng Nghiệp vụ TĐKT, Ban TĐKT